<THEO DÕI HỒ SƠ VỤ ÁN>

 

<Năm 2013>

 

  • Ngày 25/1/2013: Thụ lý hồ sơ vụ án bố chồng bạo lực tình dục con dâu người Việt A
  • Ngày 11/3: Phiên tòa sơ thẩm vụ án bạo lực tình dục lần 1
  • Ngày 28/3: Phiên tòa sơ thẩm vụ án bạo lực tình dục lần 2
  • Ngày 30/5: Phán quyết vụ án bạo lực tình dục

– Bố chồng (Choi ○○) lãnh án tù 7 năm, hoàn thành 80 giờ Khóa học trị liệu bạo lực tình dục, công khai thông tin cá nhân của người có hành vi bạo lực trong 10 năm

  • Ngày 13/6: Người có hành vi bạo lực kháng cáo
  • Ngày 28/8: Kim Mo – chồng nạn nhân A trình Đơn vô hiệu hóa hôn nhân
  • Ngày 05/11: Bác đơn kháng cáo bạo lực tình dục của người có hành vi bạo lực

 

<Năm 2014>

 

  • Ngày 27/6/2014: Phiên tòa sơ thẩm

Ngày 27/6: Sơ thẩm lần 1 Đơn vô hiệu hóa hôn nhân của Ông Kim Mo – chồng nạn nhân

– Hủy hôn, bị cáo (phụ nữ Việt A) nộp 8 triệu won tiền bồi thường cho chồng

  • Ngày 23/7: Kháng cáo bản án vô hiệu hóa hôn nhân
  • Ngày 18/9: Trung tâm nhân quyền phụ nữ di trú Hàn Quốc chủ trì “Buổi tọa đàm với các chuyên gia luật pháp về vụ án bố chồng hiếp dâm con dâu và hủy hôn vì bị cưỡng bức”; thành lập tập thể đoàn luật sư biện hộ
  • Ngày 29/9: Bào chữa / xét xử công khai lần 1 (Trung tâm nhân quyền phụ nữ di trú Hàn Quốc, Hiệp hội Trung tâm bảo trợ phụ nữ di trú toàn quốc)
  • Ngày 13/10: Bào chữa / xét xử công khai lần 2 (Trung tâm nhân quyền phụ nữ di trú Hàn Quốc, Hiệp hội Trung tâm bảo trợ phụ nữ di trú toàn quốc)

Trung tâm nhân quyền phụ nữ di trú Hàn Quốc và Hội phụ nữ Jeonbuk phối hợp tổ chức biểu tình trước Tòa án Jeonju và tham gia phiên tòa công khai

  • Ngày 29/10: Giáo sư Park Bu Jin – Khoa nhi (chuyên ngành trị liệu tâm lý trẻ em – gia đình) Trường đại học Myongji tư vấn và kiểm tra tâm lý cho nữ nạn nhân
  • Ngày 5/11: Giáo sư Park Bu Jin – Khoa nhi (chuyên ngành trị liệu tâm lý trẻ em – gia đình) Trường đại học Myongji trình Bản kiến nghị lên Tòa án với nội dung trọng tâm “Khẩn cầu xem xét lại nội dung trị liệu tâm lý do vụ án bạo lực tình dục và vụ án tố tụng hôn nhân không thành”
  • Ngày 31/11~11/12 Vận động kí tên Đơn thỉnh cầu kháng án

(2.419 người: 1.879 người Hàn và 540 người nước ngoài)

  • Ngày 17/11: Bào chữa lần 3 và buổi Họp báo bàn về các nội dung gây bất bình trong bào chữa và phán xét hủy hôn cho nạn nhân phụ nữ di trú bị bạo lực tình dục do Hội phụ nữ di trú toàn quốc tổ chức
  • Ngày 15/12: Bào chữa / xét xử công khai lần 4 (Trung tâm nhân quyền phụ nữ di trú Hàn Quốc, Hiệp hội Trung tâm bảo hộ phụ nữ di trú toàn quốc)

 

<Năm 2015>

 

  • Ngày 19/1: Bản án sơ thẩm lần 2

– Hủy hôn, bị cáo (phụ nữ Việt A) nộp 3 triệu won tiền bồi thường cho chồng

  • Ngày 19/2: Kháng cáo lên Tòa án tối cao
  • Ngày 05/3: Tổ chức buổi tọa đàm “Hủy hôn vì sinh con do bạo lực tình dục trẻ vị thành niên – tranh cãi pháp luật và bài toán dành cho lập pháp” (Đơn vị tổ chức: 17 đoàn thể phụ nữ/di trú/pháp luật. Đơn vị chủ quản: Nghị sĩ quốc hội Jin Seon-Mee, Trung tâm nhân quyền phụ nữ di trú Hàn Quốc, Trung tâm tư vấn bạo lực tình dục Hàn Quốc)

 

<Năm 2016>

 

  • Ngày 18/2, Tòa án tối cao phán quyết ‘hồi xét bản án sơ thẩm’

<Lời đương sự – phụ nữ Việt A>

 

 

Hôm qua, sau khi tiếp nhận bản án của Tòa, Giám đốc Trung tâm bảo hộ đã gọi điện ngay cho tôi. Các nhân viên Trung tâm đã giải thích về kết quả phán quyết của Tòa án tối cao. Và tôi chỉ biết nói câu “Thật sự rất cảm ơn” mà thôi.

Trong suốt thời gian tố tụng, tinh thần tôi dần trở nên kiệt quệ. Trong thời gian qua tôi không ngủ yên được ngày nào; bởi cứ nghĩ đến chuyện hồi bé và chuyện bị bố chồng cưỡng hiếp là tôi lại mơ thấy ác mộng.

 

Từ nhỏ, tôi đã không nhận được tình yêu thương từ bố mẹ. Tôi lấy chồng và muốn bắt đầu cuộc sống mới. Thế nhưng, sau khi sang Hàn, tôi lại bị bố chồng cưỡng hiếp và chồng quay mặt với tôi. Trong tình thế còn đang rối bời bởi sự tủi nhục của vụ cưỡng hiếp ấy, tôi lại bị chồng đâm đơn vô hiệu hóa hôn nhân. Tôi sợ lắm, tôi không thể hiểu được rằng tại sao chồng tôi lại có thể đối xử với tôi như vậy nữa. Chúng tôi là vợ chồng cơ mà. Tôi nghĩ, đã là vợ chồng thì phải thấu hiểu và đùm bọc nhau chứ. Thế mà chồng tôi lại chỉ nghĩ rằng tôi vì tiền, vì tham vọng mà lừa chồng để kết hôn, tôi lợi dụng chồng để sang Hàn. Tôi rất sốc và đau đớn vì nghe điều này.

 

Chắc một mình tôi sẽ không tài nào cáng đáng được nỗi đau đớn và tủi hổ khi phải trở về Việt Nam cùng nỗi đau của vụ cưỡng hiếp và bản án vô hiệu hóa hôn nhân đó. Tôi có về Việt Nam thì cũng chẳng có ai có thể chia sẻ và giúp sức cho tôi được cả. Có lẽ người ta chỉ toàn sỉ nhục tôi thôi. Nếu vậy thì chắc tôi không còn muốn sống trên đời này làm gì nữa. Tôi hoảng sợ. Chẳng biết sao những chuyện như vậy lại đến với tôi nữa.

 

Hôm qua tôi sốt ruột chờ đến giờ Tòa án phán quyết bản án, dù bị sốt cao mà tôi không tài nào đi đến bệnh viện được. Tôi sốt ruột chờ đợi. Tôi bất an đến mức đứng ngồi không yên. Tôi khấn trời cho công lý sẽ về với tôi.

 

Và bản án lần này đã mang lại kết quả công minh cho tôi – đang bị các mối lo sợ dày vò. Việc mong chờ kết quả bản án lần này không chỉ cho mỗi riêng mình tôi; mà qua đó, bản án sẽ mang đến sự ảnh hưởng tích cực đến tất cả những người phụ nữ bị bạo lực tình dục vào thời thơ bé như tôi. Hi vọng vết thương cưỡng hiếp của thời đã qua sẽ không dai dẳng đeo bám hiện tại và tương lai nữa.

 

Xin chân thành cảm ơn Thẩm phán Tòa án, các vị luật sư, các nhân viên Trung tâm bảo trợ, Trung tâm nhân quyền phụ nữ di trú, Trung tâm phụ nữ di trú toàn quốc, và các cấp, ngành, đoàn, hội phụ nữ liên quan … đã không quản công để giúp đưa ra bản án công minh. Xin cảm ơn tất cả các vị đã tiếp thêm sức mạnh giúp tôi có thêm nghị lực. Tôi không còn lời nào ngoài hai từ “Cảm ơn” gửi đến các quý vị.

 

Và tôi đã thắng kiện lần này. Nếu sống ở trên đất Hàn này, tôi muốn giúp đỡ những ai đã và đang trải qua nỗi đau giống tôi, và tôi sẽ cố gắng sống thật tốt để không phụ lòng tất cả các quý vị đã bỏ công giúp tôi.

 

Xin chân thành cảm ơn.

 

 

Ngày 19 tháng 2 năm 2016

 

※ Thông dịch và chỉnh sửa: Lê Thị Mai Thu (Trưởng tổ nhân quyền –Trung tâm Nhân quyền phụ nữ di trú Hàn Quốc)

 

Tích cực ủng hộ Tòa án tối cao đưa ra bản phán quyết hồi xét bản án sơ thẩm vụ án phụ nữ Việt Nam ‘Hủy hôn do đã từng sinh con vì tội phạm bạo lực tình dục trẻ vị thành niên’

 

Tòa án tối cao (Thẩm phán Kim Sin – Chủ thẩm phiên 3) đã ra lệnh hủy bỏ bản án sơ thẩm hủy hôn – công nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vụ án phụ nữ Việt Nam ‘Hủy hôn do đã từng sinh con vì tội phạm bạo lực tình dục trẻ vị thành niên’ vào 2 giờ chiều ngày 18 tháng 2 năm 2016.

Tòa án tối cao cho biết lý do bản án như sau: trường hợp đương sự là nạn nhân của tội phạm bạo lực tình dục trẻ vị thành niên, mang thai và sinh con không theo ý muốn của bản thân trong quá trình sinh trưởng, hành vi mang thai trên thuộc vào hạng mục riêng của đời tư cá nhân, liên quan đến danh dự và bản chất đời tư; nên trên quan điểm xã hội, có thể kì vọng cá nhân thông báo nội dung cho đương sự hoặc người thứ ba; và không thể quy đồng việc không tiết lộ thông tin trên với nghĩa vụ đảm bảo sự trung thực để mang ra chỉ trích. Theo đó, không thể đơn giản ghép việc không tiết lộ việc sinh nở trong quá khứ làm lý do hủy hôn theo mục 3, điều 816 Luật dân sự đã quy định. Thông qua việc phán định cả với trong trường hợp hôn nhân quốc tế đã cho thấy tinh thần luật pháp công lý và thường trực vẫn đang trực trào trong xã hội Hàn Quốc.

 

Dù là hành vi sinh nở đặc thù do là nạn nhân của tội phạm bạo lực tình dục trẻ vị thành niên, việc xét phạt bị cáo (phụ nữ) do không công khai thông tin là việc xâm phạm đến bí mật và tự do của đời sống cá nhân, xâm phạm quyền nhân cách và quyền quyết định giữ thông tin cá nhân do luật định, đi ngược với tinh thần bảo vệ nạn nhân trẻ vị thành niên bị bạo lực tình dục của pháp luật trong nước và quốc tế. Thông qua bản án lần này, Tòa án tối cao Hàn Quốc đã khắc phục lỗi pháp lý trên ở bản án sơ thẩm.

 

Mặt khác, việc hủy hôn do việc sinh sản trước hôn nhân chủ yếu áp dụng vào phụ nữ mang trọng trách sinh học là mang thai và sinh con; bản án lần này của Tòa án tối cao còn mang ý nghĩa đưa ra tiêu chuẩn về lý do hủy hôn đối với lí lịch sinh con trước hôn nhân.

 

Trong tiền lệ xử án trong nước cũng có nêu ‘bản thân việc không công khai sự thật sinh con’ là một trong những lý do hủy hôn. Thế nhưng, trường hợp của phụ nữ Việt A là sinh con do bạo lực tình dục trẻ vị thành niên khủng khiếp; điều này trở thành lý do hủy hôn là việc mang tính chất trừng phạt đối với nạn nhân bị bạo lực tình dục; theo đó, các cấp, đoàn thể phụ nữ di trú đã kiên quyết đưa ra kháng nghị. Dẫu vậy, phần phán xét sơ thẩm 1 và 2 đã giơ tay đồng tình với nguyên cáo và đưa ra bản án hủy hôn, nộp tiền bồi thường cho chồng. Các đoàn thể hỗ trợ cho phụ nữ bị hại cùng các tập thể đoàn luật sư biện hộ đã xin phúc thẩm lên Tòa án tối cao; và kết quả của bản án phúc thẩm là hồi xét bản án sơ thẩm lần 2. Và đây cũng là tuyên cáo công nhận kết quả bản án sơ thẩm lần 1 và 2 bắt nạn nhân bạo lực tình dục hủy hôn là không thích đáng.

 

Một điều cần lưu ý trong chủ đề tranh luận về vụ án này là người phụ nữ – từng sinh con do bị cưỡng hiếp hồi bé ở Việt Nam, kết hôn với nam giới Hàn Quốc và muốn có cuộc sống mới, nhưng lại bị bố chồng cưỡng dâm tại Hàn Quốc – cô đã sống sót sau 2 lần bị bạo lực tình dục. Dù cô có phải kết thúc cuộc sống hôn nhân kinh khủng tại Hàn do bố chồng cưỡng dâm đi chăng nữa, nhưng chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn bản án đưa ra hình phạt gây thêm nỗi đau khác ngoài nỗi đau do bạo lực tình dục gây nên.

 

Tuyên án lần này liên quan đến phụ nữ di trú Việt Nam, nhưng kết quả đó đã tạo ra một bước ngoặc lớn. Bởi Tòa án tối cao đã chính thức công nhận quyền không công khai lí lịch sinh con do bạo lực tình dục trong trường hợp sinh sản do bạo lực tình dục. Việc tạo ra phán lệ chưa từng có trong lịch sử xã hội Hàn Quốc trong tuyên cáo này có tầm ảnh hưởng đến tất cả phụ nữ. Hi vọng cơ quan tòa án cấp cao Jeonju sẽ tích cực thừa nhận tuyên án hồi xét bản án thỏa đáng, phản ánh nhân quyền cho phụ nữ của Tòa án tối cao.

 

Ngày 22 tháng 2 năm 2016

 

Trung tâm nhân quyền phụ nữ di trú Hàn Quốc

và hơn 20 đoàn thể dành cho phụ nữ di trú trên toàn quốc